Về phía Bộ GDĐT, Cục Khảo thí có những đánh giá khá lạc quan: “Kết quả này phản ánh những điều chỉnh, đổi mới của kỳ thi năm nay đã có tác động tích cực đến hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT trên một số phương diện”.
Tuy nhiên, nhiều người, kể cả giới chuyên môn lại có cái nhìn khác, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn nặng nề, tốn kém, hiệu quả thấp, trong bối cảnh dạy và học hiện nay, con số tỷ lệ đỗ 99% là chưa phản ánh đúng thực chất. Là một thầy giáo trực tiếp giảng dạy và quản lý ở trường THPT, có gần 20 năm làm công tác tổ chức coi thi, chấm thi, thanh tra thi, tôi nhận thấy khâu tổ chức coi thi còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém nhất hiện nay. Nhiều học sinh quay cóp, sử dụng tài liệu trong phòng thi, khiến cho kết quả thi chưa phản ánh đúng thực chất hoạt động dạy và học.
Có thể nói, những năm 90 trở về trước và đặc biệt năm 2007, khi phát động phong trào 2 không và có thanh tra ủy quyền của Bộ ở tất cả Hội đồng thi thì công tác coi thi thực sự đúng nghĩa nghiêm túc, đồng bộ, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp khá thấp. Còn những năm gần đây thì không. Nguyên nhân do đâu? Căn bệnh thành tích trong quản lý, dạy và học ở nhiều địa phương, nhà trường, thầy cô giáo còn rất nặng nề.
Bệnh trầm kha này sản sinh ra những biểu hiện như tiêu cực, dễ dãi, thiếu nghiêm túc, không đồng bộ trong công tác coi thi… Dù có đổi mới, cải tiến phương pháp dạy-học, cách ra đề thi, kiểm tra đến đâu đi nữa… nhưng lại buông lỏng, tháo khoán, thiếu nghiêm túc… trong khâu coi thi thì kết quả sẽ không thực chất, có tác dụng ngược lại…
Kỳ thi ĐH-CĐ là kỳ thi luôn được đánh giá nghiêm túc nhất, và thực tế cho thấy tỷ lệ thí sinh đi thi có phổ điểm 1, 2, 3 luôn chiếm tới hơn 50%. Và đây mới là con số thực của giáo dục Việt Nam. So sánh 2 kỳ thi này, tôi nhận thấy, học sinh Việt Nam lâu nay (kể cả người lớn) luôn thường trực tư tưởng tiêu cực: “Không thi, không học”, ý thức tự học, tự trau dồi tri thức của con trẻ chúng ta còn rất thấp.
0 Response to "Từ kỳ thi đại học nhìn về thi tốt nghiệp"
Post a Comment