- Tòa án Nhân dân TP.HCM vừa xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Văn Phú (25 tuổi, ở quận 10) về tội Giết người và quyết định án tử hình. Theo ông, với tình tiết vụ việc và cáo trạng thì mức án dành cho Phú có đúng tội?
- Hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Văn Phú là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền được sống của H (20 tuổi, ở quận 1, người yêu của Phú); đồng thời gây đau thương mất mát cho gia đình bị hại và gây mất an ninh trật tự tại trung tâm TP.HCM.
Khi H. muốn chấm dứt việc yêu đương, giữa hai người đã xảy ra lời qua tiếng lại. Sau đó, Phú dùng dao đâm nhiều nhát khiến chị này tử vong.
"Cơ hội sống của thanh niên giết người yêu cực kỳ mong manh". Ảnh: Khắc Thành.
Do đó Tòa án nhân dân TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm Phú về tội Giết người là có căn cứ pháp luật. Tội danh và hình phạt được qui định tại điểm n khoản 1 điều 93 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, Phú còn phải chịu thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 1 điều 48: Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng.
Dù cho bị cáo chỉ phạm có một tội và bên bị hại cũng có những ứng xử chưa đúng mực khi chia tay, nhưng với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, chuẩn bị hung khí, thực hiện tội phạm một cách quyết liệt đến cùng ngay giữa trung tâm TP.HCM thì việc Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên án tử hình là tương xứng với tính chất mức độ hành vi mà Phú đã gây ra.
"Tử hình là quá nặng vì Phú có hoàn cảnh đặc biệt và cô người yêu rõ ràng là người phản bội, có thái độ như khiêu khích khiến 1 chàng trai mới lớn như Phú không kìm chế được. Tội của Phú là giết người không có sự toan tính âm mưu mà do thiếu suy nghĩ nông nổi... Xin giảm nhẹ cho Phú mức án nhẹ hơn", bạn đọc Phương Thảo.
- Một số ý kiến cho rằng với lý lịch thân nhân tốt thì tòa cấp sơ thẩm nên giảm mức án cho Phú.
- Những yếu tố thuộc về nhân thân (chưa có tiền án tiền sự), hoàn cảnh gia đình (khó khăn, bố mất sớm) không được coi là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt (được qui định tại khoản 1 điều 46, khoản 2 điều 46 Bộ luật hình sự) để có thể ân giảm án tử hình. Trừ trường hợp bị cáo bị bệnh hạn chế nhận thức trước, trong và sau khi phạm tội; hoặc bố, mẹ bị cáo là liệt sĩ thì có cơ hội giảm nhẹ hình phạt ngay tại phiên tòa sơ thẩm.
Nếu Phú chỉ bột phát do bị xúc phạm, bực tức đâm 1, hoặc 2 nhát thì hội đồng xét xử sẽ xem xét, cơ hội làm lại cuộc đời có nhiều hơn.
- Như vậy, khó có cơ hội giảm mức án tử hình đã tuyên dành cho Phú ?
- Giai đoạn phúc thẩm mà bị cáo kháng cáo nếu có thêm tình tiết giảm nhẹ mới như: Gia đình bị hại xin tha tội chết cho bị cáo; bị cáo khắc phục thêm việc bồi thường trách nhiệm dân sự; chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể, bà con khu phố có đơn xin ân giảm án tử hình thì toà án cấp phúc thẩm cũng có thể xem xét làm căn cứ giảm hình phạt. Tuy nhiên, có hội sống của Phú là cực kỳ mong manh.
- Thế giới hiện nay đang đặt ra vấn đề giảm các án tử hình. Theo quan điểm của luật sư, ở Việt Nam với những tội danh nào nên bỏ hoặc vẫn giữ mức án tử hình?
- Trên thế giới hiện nay, xu hướng nói chung các nước đang tiến đến việc hạn chế hình phạt tử hình. Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự của Việt Nam sắp tới cũng sẽ theo xu hướng bỏ thêm một số tội không áp dụng tử hình. Nhưng tùy thuộc vào tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử để áp dụng hình phạt tử hình cho phù hợp.
"Mình nghĩ tử hình là đúng, hành vi của Phú rất nhẫn tâm. Sau khi đâm anh ta còn xách tóc nạn nhân lên để đâm thêm vào cổ. Dù có hoàn cảnh đặc biệt nhưng mình nghĩ như vậy là thỏa đáng. Nếu không tử hình thì sẽ rất tội cho gia đình bên nhà nạn nhân", bạn đọc Mai Xuân Tân.
Sắp tới, Nhà nước ta sẽ sửa đổi Bộ luật Hình sự thì đối với tội Giết người vẫn phải để hình phạt tử hình, tuy nhiên sẽ giới hạn hình phạt tử hình trong trường hợp giết người với tính chất, mức độ như thế nào.
Ví như, thực hiện tội phạm đến cùng, giết người dã man hay man rợ, hoặc giết người để cướp tài sản, để thực hiện tội phạm khác rất nghiêm trọng, hoặc đặc biệt nghiêm trọng,… thể hiện việc mất hết tính người, không còn khả năng giáo dục cải tạo.
0 Response to ""Cơ hội sống của thanh niên giết người yêu cực kỳ mong manh""
Post a Comment