Rất nhiều những niềm mong mỏi của người Sài Gòn trước đây đã thành hiện thực. Giờ đây, thành phố không còn cảnh người dân chen chúc ở bến phà Thủ Thiêm vào mỗi chiều để chờ chuyến phà cuối cùng cập bến. Họ đã có một lối đi ngay dưới lòng sông Sài Gòn, chỉ mất 5 phút là có thể sang bên kia bờ, đó là đường hầm sông Sài Gòn, được gọi là hầm Thủ Thiêm. Hầm Thủ Thiêm là hạng mục quan trọng nhất trong dự án đại lộ Đông - Tây. Bên cạnh việc giải tỏa áp lực cho cầu Sài Gòn, tuyến đường mới qua hầm rút ngắn thời gian từ trung tâm thành phố về các tỉnh miền Tây lẫn miền Đông.
Ngoài ra, dự án vệ sinh môi trường thành phố trên lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng số tiền 8.600 tỷ đồng đã cải tạo trở thành dòng kênh xanh mát giúp hai con đường Hoàng Sa, Trường Sa ven kênh đang xanh trở lại trước sự vui mừng của người dân thành phố - những người đã phải sống trong các ngôi nhà ổ chuột ven kênh từ xa xưa.
Ngoài lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hàng loạt dòng kênh khác ở thành phố cũng được cải tạo, mang lại không khí trong lành và thoáng mát, đó là lý do mà người dân ở Kênh Tân Hóa - Lò Gốm (Quận 6) đã có những buổi chiều ra bờ kênh hóng mát, nhìn về phía bờ bên kia, bên dưới dòng nước trong xanh mà cảm thán: "Tôi đã mong chờ ngày dòng kênh này trở lại màu xanh từ rất lâu rồi..."
Bộ mặt đô thị Sài Gòn với những tòa nhà chọc trời, những đại lộ rộng khang trang, những tòa nhà kiến trúc mang tầm thế kỷ… cùng với đó là cả một nền tảng đời sống, kinh tế, văn hóa rất vững vàng, năng động, đã và đang sẵn sàng hội nhập sâu rộng với thế giới.
Sài Gòn của ngày hôm nay đã trở thành “miền đất hứa,” một thành phố trẻ đáng sống, đáng để lập nghiệp, một thành phố mà mọi người có thể tự do hít thở bầu không khí luôn căng tràn năng lượng và nhựa sống.
Ngắm nhìn Sài Gòn từ trên cao, sự thay đổi kỳ diệu thể hiện càng rõ nét hơn, khi những vùng đất hoang vắng nhiều chục năm trước đã được thay thế bởi hàng loạt những ngôi nhà hiện đại, các tòa nhà cao tầng, chung cư cao cấp được hình thành, hệ thống kênh rạch được làm xanh mới, sạch đẹp, mang lại không khí trong lành hơn cho người dân thành phố.
Trước đây, người dân ở Quận Bình Thạnh, Thủ Đức khi di chuyển qua sông Sài Gòn phải nép mình bên cây cầu sắt Bình Lợi đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2013, Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (Đại lộ Phạm Văn Đồng) với 12 làn xe và cầu Bình Lợi mới được khánh thành, góp phần giảm ùn tắc cho cửa ngõ đông bắc của thành phố. Ở vị trí này, sau gần nửa thế kỉ, ngoài sự xuất hiện của tuyến đường Đại lộ Phạm Văn Đồng và cầu Bình lợi mới, chúng ta còn có thể thấy hàng nghìn ngôi nhà khang trang mọc lên, thành phố không còn cảnh hoang vắng mà thay vào đó là sự phát triển của một đô thị mới hiện đại, phồn hoa.
Đã từ lâu, đường Nguyễn Huệ được xem là con đường đẹp nhất Sài Gòn, nằm trải dài trước trụ sở UBND TP đến đường Tôn Đức Thắng. Sau hàng chục năm, thành phố đã quyết định cải tạo đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ đầu tiên ở Sài Gòn. Người dân và các bạn trẻ vô cùng hứng khởi trước sự đổi mới này, giờ đây, chúng ta đã có thể dạo bước trên con đường đẹp nhất của thành phố, bên dưới là mặt đường được lát bằng đá hoa cương, hệ thống đài phun nước hiện đại phục vụ cho mọi người tham quan, thưởng lãm vào dịp cuối tuần.
Đường Đồng Khởi và khu vực trước Nhà hát lớn thành phố nhìn từ trên cao. Đường Đồng Khởi là một trong những con đường sầm uất nhất Sài Gòn vì tập trung các cửa hiệu sang trọng, các khách sạn, trung tâm mua sắm. Con đường này còn lưu lại một vài nét cổ xưa và riêng biệt của một đô thị ở Đông Nam Á. Với cùng một góc ảnh nhưng có thể thấy rằng, phía xa đường chân trời đã nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng san sát nhau.
Từ trên cao ngắm nhìn thành phố xưa và nay, mới thấy được sự đổi thay mạnh mẽ với các công trình kiến trúc hiện đại mang tầm thế kỷ, những tòa nhà chọc trời liên tiếp mọc lên, diện mạo thành phố chúng ta ngày càng hiện đại, một đô thị phồn hoa với nhiều nét văn hóa đa dạng.
Khách sạn Continental là một khách sạn lịch sử nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh, nằm ở số nhà 132 - 134 đường Đồng Khởi. Khách sạn bắt đầu xây vào năm 1878 dưới thời Pháp thuộc và khánh thành năm 1880. Hơn 40 năm sau ngày Giải phóng, khách sạn này đã được thay đổi ít nhiều, từ bảng hiệu, những ô cửa đầy hoa, màu sơn mới... chỉ có kiến trúc cơ bản của khách sạn được giữ lại vẹn nguyên như lúc đầu.
Đường Tự Do (ngày nay là đường Đồng Khởi) có một nhà hàng nổi tiếng là Maxim's do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và Xuân Lôi phụ trách. Là một phần quan trọng của trung tâm Sài Gòn vào những năm 1925, quán Maxim’s Club được biết đến là địa điểm giải trí đẳng cấp của giới thương gia và tầng lớp thượng lưu thế kỉ trước.
Ảnh chụp tại góc đường Lê Lợi – Phan Bội Châu (bên hông Chợ Bến Thành) vào năm 1964 và 2015. Những bảng hiệu quảng cáo thay đổi, phong cách thời trang của xưa và nay cũng đã khác. Tuy nhiên, hình ảnh người phụ nữ trong tà áo dài thướt tha ngày trước vẫn là một nét đẹp văn hóa Sài Gòn mà ngày nay chúng ta hiếm gặp lại những hình ảnh này trên đường phố.
Các bạn sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ắt hẳn sẽ thấy con đường Đinh Tiên Hoàng này quen thuộc biết bao. Đây là góc chụp phía trước trường Đại học, bên trái là là ĐH Canh Nông, bên phải là Đài Truyền Hình.
Trước năm 1975, người Sài Gòn chắc hẳn không thể nào lại không biết đến rạp hát Trần Hưng Đạo, nơi diễn ra các vở cải lương hầu quảng hay "đứ đừ". Rạp có sức chứa 900 khán giả. Là rạp hát chuyên nghiệp, duy nhất dung để biểu diễn nghệ thuật cải lương trong thành phố. Ngày nay, rạp hát Trần Hưng Đạo đổi tên thành Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Ảnh chụp bên hông Nhà hát Thành phố vào năm 1966 và 2015, khu vực trước khách sạn Caravelle ngày nay. Những hàng cây đã cao vút trời, thẳng đứng, đem lại bóng mát cho người dân khu vực này.
0 Response to "30 bức ảnh "ngày ấy - bây giờ" nói cho bạn biết Sài Gòn đã "thay da đổi thịt" thế nào?"
Post a Comment