Chiều 30/9, ông Nguyễn Xuân Thông, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, đã cùng lãnh đạo huyện Vũ Quang trực tiếp về nhà anh Vân, chị Quý (cha mẹ bé Nhung) thăm hỏi, động viên và kiểm tra tình hình cụ thể.
Những ngày qua, chúng tôi đã về xã này để ghi nhận hoàn cảnh của gia đình em Nguyễn Thị Nhung (10 tuổi, học lớp 3 Trường Tiểu học Đức Bồng, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh). Nhung bị cái đói cộng với bệnh tim đã khiến em ngã xuống sông tử vong trên đường đi học về.
“Con đói, nóng lắm cha ơi”
Sau khi em Nhung ra đi vào ngày 25/9, nhiều người mang lúa, gạo và tiền đến giúp đỡ gia đình anh Vân, chị Quý nên trên bàn thờ em ngoài bát cơm trắng cúng em thì có thêm đĩa thị heo nấu. Chị mất, các em cũng được những bữa cơm no có thịt.
Gia đình vẫn chưa hết đau buồn trước sự ra đi của bé Nhung.
Nhà ở xa trường, vợ chồng anh Vân không có xe máy, không có điện thoại, mỗi khi Nhung và Tuyết mệt, đói thì thầy cô giáo điện thoại báo tin cho chị xóm giềng tên Loan.
Chị Loan gạt nước mắt nói: “Đầu năm học vừa qua, tôi chạy ra trường đón cháu Nhung giùm anh Vân thì thấy cháu đói muốn xỉu. Tôi phải một tay chạy xe, một tay quàng ra sau ôm lấy người cháu để chạy đến ki ốt mua sữa và bánh cho cháu ăn. Ăn xong, cháu Nhung tỉnh, khỏe trở lại tôi mới chở cháu về nhà”.
Gần trưa 25/9, Nhung lại đói và yếu vì em vốn có bệnh tim bẩm sinh. Chị Loan hôm ấy bận việc nên anh Vân đạp xe ra trường đi đón Nhung. Đôi mắt khắc khổ của anh Vân cứ ngồi nhìn di ảnh Nhung, hàng nước mắt lăn xuống đôi má sạm đen.
Anh kể trong nấc nghẹn: “Tôi đón con ở cổng trường thì Nhung nói: “Con đói, nóng trong người lắm, cha mua cho con cái kem”. Lúc ấy tôi không một đồng dính túi để mua kem, mua sữa cho con nên động viên con là về ki ốt gần nhà để cha mua nợ. Nhưng con đã ra đi mãi mãi rồi. Tôi có lỗi vì để con vì đói khổ quá mà chết”.
Cô giáo Lương Thị Lan Hương, giáo viên chủ nhiệm của em Tuyết, nói: “Những lần trước đây, Nhung ngất xỉu các thầy cô giáo bế em đến trạm xá xã cấp cứu, bệnh tim đã đành nhưng phần lớn do em đói bụng quá. Về sau, cứ thấy em Nhung xỉu thì chúng tôi đi mua bánh và sữa cho em uống là tỉnh lại. Năm học 2013-2014, em Nhung đã năm đến bảy lần ngất xỉu và đầu năm học này, Nhung cũng đã đói xỉu một lần trước đó.
Em gái kề Nhung là em Tuyết (học lớp 2) cũng thường nhịn sáng đến lớp và từng đói lả trên trường, thầy cô mua bánh và sữa cho em ăn mới tỉnh lại được. Em Nhung đã ra đi nhưng điều chúng tôi trăn trở là làm sao các em của Nhung đến trường không đói, đủ sức để theo học lên”.
Cây cầu Đông, nơi em Nhung bị rơi xuống.
Xóa nhà tranh nên thoát nghèo?
Cô Trịnh Thị Xuân Hương, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Đức Bồng, cho biết: “Thời gian qua, biết hoàn cảnh khó khăn của em Nhung, em Tuyết nên thầy cô giáo góp lương giúp và cũng đi xin quần áo cũ cho các em nhưng không được bao nhiêu vì thầy cô ở miền núi này cũng đều khó khăn”.
Năm 2006, thương vợ chồng anh Vân không có nhà để ở, một người cùng xóm để lại cho vợ chồng anh mảnh vườn 3,5 sào với giá vừa bán vừa cho là 500.000 đồng. Anh, chị dựng căn nhà lợp tranh cho hai vợ chồng và bốn đứa con ở. Chị Quý sức khỏe yếu, hay đau tim nên cuộc sống chủ yếu trông chờ vào anh Vân cày ruộng và làm thuê.
Em Phạm Thị Tuyết (8 tuổi, học sinh lớp 2, trường tiểu học Đức Bồng, xã Đức Bồng, huyện miền núi Vũ Quang, Hà Tĩnh) - em gái em Phạm Thị Nhung từng đói, xỉu trên lớp học.
Năm 2010, vợ chồng anh Vân được cấp 8 triệu đồng và vay 8 triệu đồng để xóa nhà tranh tre dột nát. Anh Vân đi làm thuê tích cóp và vay mượn tổng cộng 22 triệu đồng, xây được căn nhà cấp bốn thì không còn tiền để làm cửa. Anh Vân cho biết đầu năm 2011, sau khi anh làm nhà ngói xong thì bị đưa ra khỏi hộ nghèo.
“Cả nhà sáu người mà chỉ có một sào đất (trước đó cán bộ xã cho biết gia đình anh Vân có 6 sào đất-PV). Chúng tôi đã phải thuê thêm ba sào đất của xóm để sản xuất nhưng đất xấu, thường mất mùa. Năm 2011, tôi đưa Nhung đến các bệnh viện chữa bệnh tim, các bác sĩ nói rằng khổ thế thì về xin làm thủ tục hộ nghèo để Nhung có bảo hiểm.
Tôi chạy đến UBND xã xin nhưng họ không cho nên tôi phải đi mua thẻ bảo hiểm tự nguyện để chữa bệnh tim cho Nhung. Cuối năm 2011, tôi đưa Nhung vào Huế mổ tim, bệnh viện này mổ miễn phí nhưng hai cha con phải ở trong bệnh viện liên tục ba tháng, chi phí ăn ở hết 22 triệu đồng tiền vay mượn mà nay chưa trả hết”, anh Vân nói, đôi mắt vẫn còn thất thần sau cái chết của con.
Xã: Sơ suất khi cho anh Vân thoát nghèo "Cả xã Đức Bồng có 144 hộ nghèo. Gia đình anh Vân cũng rất khó khăn, xã có sơ suất là đưa gia đình này thoát nghèo để lên hộ cận nghèo. Giờ muốn hay không muốn thì lần sau (tức năm 2015) sẽ đưa gia đình anh Vân vào diện hộ nghèo" - ông NGUYỄN QUỐC HÙNG, Chủ tịch UBND xã Đức Bồng. Tỉnh: Anh Vân thoát nghèo là đúng "Cháu Nhung chết không phải do đói mà do em bị bệnh tim, vì sức khỏe yếu đã đâm xe đạp vào thành cầu rơi xuống sông. Do vậy sẽ cấp chi phí mai táng cho gia đình. Thời quan qua, các cấp ngành cũng đã quan tâm, động viên, bệnh viện đã phẫu thuật tim miễn phí cho em, Nhà nước trợ cấp thường xuyên cho em ở diện bảo trợ xã hội là 270.000 đồng/tháng. Gia đình anh Vân đã được Nhà nước hỗ trợ xây nhà. Gia đình anh Vân thoát nghèo là đúng quy định hiện nay bởi thu nhập bình quân của gia đình anh năm 2013 là 530.000 đồng/người/tháng (chuẩn nghèo là 400.000 đồng/người/tháng - PV)" - ông NGUYỄN XUÂN THÔNG, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh. "Nhiều lần tôi hỏi Nhung nấu cơm trưa cho bố mẹ chưa, Nhung nói nhà hết sạch gạo, tôi chạy về nhà lấy gạo sang cho cháu nấu cơm. Có những lần tôi sang thấy cha, con anh Vân nấu cơm mà toàn nước loãng hơn cháo, bột súp, mì chính cũng không có mà nêm ăn. Tôi thấy anh Vân không lười nhác, mà do quá ít ruộng lại không có trâu, bò để cày bừa. Chị Quý thì sức khỏe yếu không làm được gì. Anh Vân không rượu chè, tích cực đi làm thuê nhưng có phải lúc nào cũng có người thuê đâu nên nhà thiếu đói triền miên" - chị LOAN, hàng xóm của em Nhung. |
Nhà bé gái đói lả, chết đuối dưới mương nghèo đến mức nào?
0 Response to "Nhà bé gái đói lả, chết đuối dưới mương nghèo đến mức nào?"
Post a Comment